Trẻ mầm non thường hiếu động và học hỏi rất nhanh. Trẻ luôn luôn mong muốn được thể hiện bản thân và làm những việc giống như người lớn. Vì vậy, bên cạnh các kiến thức sách vở được dạy ở trường, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ những kỹ năng cần thiết để tự phục vụ bản thân. Cùng bài viết tìm hiểu rõ hơn về kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non ngay sau đây:
Danh Mục
Kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non là gì?
Kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non là những kỹ năng trẻ tự chăm sóc bản thân như tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp đồ chơi, tự nguyện giúp đỡ mọi người những công việc vừa sức mình… Đây đều là những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Từ đó trẻ sẽ hình thành những thói quen và lối sống tốt đẹp về sau.
Vì sao ba mẹ nên dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ?
Kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non liên quan đến những hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày và giao tiếp. Việc hướng dẫn trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân sẽ mang lại những lợi ích:
– Trẻ có ý thức và chăm sóc tốt cho bản thân trong mọi hoàn cảnh.
– Phát triển khả năng vận động thô và vận động tinh khéo léo, làm việc cẩn thận, gọn gàng.
– Trẻ có khả năng lập kế hoạch, mục tiêu và kiên trì thực hiện.
– Trẻ phát triển tư duy sáng tạo, tập trung và khả năng xử lý vấn đề.
– Trẻ tự tin, tự lập trong cuộc sống, làm chủ bản thân.
– Có sự quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh, mở rộng mối quan hệ xã hội.
– Dễ dàng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau.
– Trẻ có trách nhiệm với công việc, biết ơn khi được giúp đỡ.
Những kỹ năng tự phục vụ ở trẻ theo từng độ tuổi
Ở mỗi độ tuổi, trẻ cần phát triển các kỹ năng phù hợp. Bởi vì nếu kỹ năng quá đơn giản sẽ khiến trẻ nhàm chán. Còn kỹ năng quá phức tạp sẽ khiến trẻ dễ nản lòng. Dưới đây là những kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non phù hợp theo từng độ tuổi.
Trẻ từ 12-18 tháng: Trẻ có thể tự rửa tay, lau tay, cầm thìa, cầm bàn chải…
Trẻ từ 18-24 tháng: Trẻ bắt đầu tự xúc ăn, cầm cốc uống nước, rửa mặt và tay, tự đánh răng, cởi quần, xếp quần áo cho vào tủ…
Trẻ từ 2-3 tuổi: Trẻ tự dọn bát đĩa sau khi ăn, rót nước vào cốc, tự mặc áo, đi giày không buộc dây…
Trẻ từ 3-4 tuổi: Trẻ có thể cài cúc áo, buộc dây giày, tự tắm và dọn gường, rửa cốc, thực hiện các kỹ năng nấu ăn đơn giản như đập trứng, cắt lát chuối…
Trẻ từ 4-6 tuổi: Trẻ biết tự chọn lựa và mặc quần áo phù hợp, dùng chổi và cây lau nhà, rửa trái cây/ bát đĩa, nhặt rau, cắt nguyên liệu bằng dao an toàn…
Ba bước quan trọng giúp trẻ xây dựng kỹ năng tự phục vụ
Sự đồng hành và kiên nhẫn
Việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ cần có sự đồng hành và kiên nhẫn của ba mẹ. Vì vậy, ba mẹ cần dành thời gian để hướng dẫn và khuyến khích con tự làm dần dần để xây dựng lòng tin và can đảm. Sau đó tiếp tục giám sát và theo dõi con rèn luyện các kỹ năng tự phục vụ này cho đến khi con có thể làm một mình.
Lên kế hoạch và thực hành
Ba mẹ hãy cùng con lên kế hoạch thực hiện các kỹ năng tự phục vụ như lịch trình hàng ngày và trở thành thói quen lành mạnh. Khi mới bắt đầu, ba mẹ dạy con các kỹ năng phù hợp với độ tuổi, cấp độ từ dễ đến khó.
Trẻ mầm non rất thích bắt chước nên cách dạy kỹ năng phục vụ tốt nhất là làm mẫu. Vì vậy ba mẹ hãy vừa làm vừa chỉ dẫn bằng lời nói dễ hiểu, thường xuyên thực hành cho đến khi trẻ khi làm đúng.
Khuyến khích và ghi nhận
Ba mẹ hãy khuyến khích con cố gắng tự làm theo các chỉ dẫn. Đừng quên giúp đỡ khi con cần sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ vô cùng hào hứng khi được ba mẹ ghi nhận và khen ngợi mỗi khi hoàn thành những kỹ năng mới. Điều này giúp trẻ tạo động lực tiếp tục hành trình học tập của mình.
Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về việc dạy kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non. Điều này sẽ giúp trẻ có cơ hội tự chăm sóc bản thân, xây dựng tính tự lập, khả năng giải quyết vấn đề ngay từ nhỏ. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để trẻ có thể thành công trong tương lai. Đừng quên theo dõi mục “Cẩm nang” của Đồ Ghép Hình để tìm hiểu thêm nhiều bài viết khác.