Lòng biết ơn sẽ giúp trẻ biết cảm thông, chia sẻ với mọi người xung quanh và trân trọng giá trị cuộc sống. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng lòng biết ơn khi lớn lên sẽ trở thành một người hạnh phúc và biết đối nhân xử thế. Thế nhưng không phải tự nhiên trẻ có lòng biết ơn, mà ba mẹ phải dạy điều này cho con ngay từ nhỏ.
Theo Tiến sĩ Christine Carter tại trường Đại học California từng nói “Lòng biết ơn không phải là một đặc điểm, đó là một kỹ năng có thể học được giống như đá bóng hay học ngoại ngữ“. Vì vậy ba mẹ có thể áp dụng những cách dạy trẻ lòng biết ơn được gợi ý ngay sau đây.
Danh Mục
Sử dụng “bảng nhớ ơn”
Bảng nhớ ơn là một trong những cách dạy trẻ lòng biết ơn khá thú vị ba mẹ có thể áp dụng. Với chiếc bảng vẽ học tập quen thuộc hay bức tường trống trong nhà, bé ghi lại những điều tốt đẹp mà bé nhận được từ mọi người.
Chẳng hạn như “Hôm nay mẹ nấu cho mình món gà rán mình thích nhất“, “Ba mua tặng mình chiếc xe ô tô điều khiển mới“… Việc làm này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp trẻ nhận thức và ghi nhớ sự giúp đỡ của mọi người dành cho mình. Đây là bước đầu tiên vô cùng quan trọng để dạy bé về lòng biết ơn.
Ba mẹ làm gương cho trẻ
Trẻ nhỏ học hỏi rất nhanh thông qua việc bắt chước người lớn. Và cách dạy trẻ lòng biết ơn tốt nhất chính là làm gương cho bé. Vì vậy ba mẹ hãy thường xuyên nói lời “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác.
Bên cạnh đó, việc đề cập đến chủ đề về lòng biết ơn từ những điều nhỏ nhặt như “Thật may mắn vì hôm nay chúng ta được đi chơi trong ngày nắng đẹp thế này“, sẽ giúp trẻ cảm thấy trân trọng những điều giản dị, đời thường nhất của cuộc sống.
Kể những câu chuyện về lòng biết ơn
Ba mẹ có thể sưu tầm những câu chuyện về lòng biết ơn để kể cho bé nghe. Ngoài những câu chuyện cổ tích, ba mẹ có thể kể những câu chuyện có thật để bé dễ hình dung và ghi nhớ. Chẳng hạn như việc các cô lao công dọn dẹp vệ sinh giữ cho các con phố sạch sẽ, các chú công an làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho mọi người…
Dạy bé nói lời cảm ơn
Đây cũng là cách dạy trẻ lòng biết ơn khá hiệu quả được nhiều ba mẹ áp dụng. Trẻ có thể bày tỏ lòng biết ơn với người khác bằng câu nói cảm ơn, một mảnh giấy viết lời cảm ơn, một bức tranh hay một bông hoa xinh xắn.
Biết nói “không” với đòi hỏi của trẻ
Ngoài những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, ba mẹ nên xem xét các đòi hỏi khác của trẻ chứ đừng đáp ứng tất cả. Bởi khi trẻ “muốn gì được nấy”, trẻ sẽ không biết cách quý trọng những gì mình có. Điều này làm ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng lòng biết ơn của trẻ.
Khi thấy yêu cầu của bé không hợp lý, ba mẹ nhớ giải thích lý do vì sao lại không được một cách nhẹ nhàng. Có như vậy trẻ mới hiểu và ngoan ngoãn nghe theo.
Khuyến khích trẻ làm việc nhà
Việc ba mẹ nuông chiều con cái, giành làm tất cả mọi thứ vô tình khiến trẻ coi đó là điều hiển nhiên. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ, giúp đỡ các công việc nhà tùy vào độ tuổi và khả năng của từng bé. Ví dụ như bày chén bát để cả nhà ăn cơm, tưới cây, lau bàn… Đây là không chỉ cách dạy trẻ lòng biết ơn mà còn tạo sự gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Giúp đỡ người khác
Giúp đỡ người khác cũng là một cách dạy trẻ lòng biết ơn đúng đắn. Ba mẹ có thể cùng bé chuẩn bị những món đồ không dùng đến như sách truyện, đồ chơi, quần áo để quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể cho bé khuyến khích bé tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của trường lớp, khu phố… Việc này sẽ giúp trẻ cảm nhận niềm vui khi biết “cho đi” chứ không chỉ là “nhận lại”, đồng thời bồi dưỡng sự tử tế, tốt bụng với mọi người.
Trên đây là những cách dạy trẻ lòng biết ơn khá thú vị mà ba mẹ có thể áp dụng. Đừng quên theo dõi mục “Cẩm nang” của Đồ Ghép Hình để tìm hiểu thêm nhiều bài viết hữu ích khác.